Để Đà Nẵng thu hút đầu tư

Sáng 1/3, TP Đà Nẵng tổ chức “Tọa đàm mùa Xuân 2019” để lắng nghe những kiến nghị, đề xuất và hiến kế của cộng đồng DN, nhằm giúp TP Đà Nẵng xem xét và điều chỉnh mô hình, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội và thu hút đầu tư.

Lần thứ 2 tổ chức, tọa đàm thu hút hơn 500 đại biểu là các nhà quản lý, chuyên gia, nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước tham dự.

Hiến kế cho “thành phố đáng sống”

Tại buổi tọa đàm, cộng đồng DN, các tổ chức quốc tế và trong nước chia sẻ những cảm nhận, đánh giá về môi trường đầu tư, giúp Đà Nẵng tiếp tục cải cảch hành chính. Qua đó, tạo môi trường và địa chỉ tin cậy cho các nhà đầu tư đến làm ăn, mở rộng sản xuất và kinh doanh.

Ông Kunio – Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam chia sẻ ở buổi tọa đàm.

Ông Takizawa Satotu – Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Đà Nẵng bày tỏ, các DN Nhật Bản cũng có nhiều quan ngại khi quyết định đầu tư mới hoặc nâng cao quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh tại Đà Nẵng. Ông Takizawa cho rằng, Đà Nẵng cấp bách cần hoàn thiện hơn nữa cơ sở hạ tầng, dù những năm qua TP đã nỗ lực và đã có những cải thiện rõ rệt về chất. Các DN Nhật đều đang hết sức khó khăn trong việc tìm đất và văn phòng tại Đà Nẵng.

Vấn đề tiếp theo của Đà Nẵng là thiếu nguồn nhân lực. “Rất cần nguồn nhân lực kiến tạo tạo nên sự phát triển của TP. Tôi mong mỏi là các cơ quan giáo dục liên kết chặt chẽ với nhau, tổ chức nhiều chương trình giáo dục hơn, để tiếp tục duy trì thương hiệu nhân lực Đà Nẵng ưu tú”, ông Takizawa nói.

Đến từ Singapore, ông Philip Tan – Giám đốc điều hành Tập đoàn Quy hoạch Surbana Jurong cho rằng, Đà Nẵng cần thu hút dân cư để phát triển và cạnh tranh. “Nhà ở, cơ hội việc làm và thu hút nhân tài là nền tảng cơ bản để thúc đẩy nền kinh tế và những nguồn lực này sẽ tạo ra nhu cầu về cơ sở hạ tầng và từ đó thúc đẩy quá trình đô thị hóa. Quản lý đô thị hóa đòi hỏi phải có quy hoạch đô thị và kế hoạch kiểm soát phát triển tốt để thúc đẩy một môi trường thuận lợi cho công việc, cuộc sống, vui chơi và học tập”, ông Tan chia sẻ.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Đà Nẵng kiến nghị cần đẩy nhanh tiến độ các khu cụm công nghiệp đã được qui hoạch, ưu tiên các khu cụm công nghiệp có diện tích nhỏ từ 5 đến 10ha bố trí cho các DN nhỏ và vừa để di dời ra khỏi trung tâm TP và làm nền tảng cho công nghiệp phụ trợ. Đồng thời đề nghị đầu tư các khu cụm công nghiệp theo hướng xã hội hóa, xây dựng cơ chế đầu tư một cửa, khuyến khích thành lập công ty tư vấn có đủ uy tín hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thành.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa và Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ trao Giấy chứng nhận đầu tư cho 8 dự án.

Trong khi đó, đại diện Hội Doanh nhân trẻ TP Đà Nẵng cho rằng, lâu nay, nguồn thu ngân sách của Đà Nẵng chủ yếu dựa vào bất động sản, hiện giờ quỹ đất đã cạn kiệt. Ngành được trông đợi mang lại nguồn thu lớn cho Đà Nẵng là du lịch và dịch vụ…

Những vướng mắc cần tháo gỡ

Sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho DN đầu tư vào Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đề nghị lãnh đạo UBND TP, các sở, ban, ngành, địa phương trước tiên tập trung giải quyết vấn đề quy hoạch.

“TP đã ký kết hợp đồng lựa chọn nhà thầu tư vấn lập Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Thiết kế chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2030. Quan điểm của tôi là bản quy hoạch mới này sẽ định vị được Đà Nẵng trong bối cảnh trong nước và quốc tế mới, xác định rõ các định hướng phát triển ngành, lĩnh vực cần ưu tiên, kèm theo không gian và nguồn lực phát triển trong sự kết nối không chỉ trong nội bộ Đà Nẵng mà còn với các địa phương khác trong nước và quốc tế…”, ông Nghĩa chỉ đạo.

Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa chỉ đạo giải quyết các vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng phục vụ thu hút đầu tư. “Thời gian đến, TP cần nghiêm túc rà soát tình trạng cơ sở hạ tầng của các khu công nghiệp, nhanh chóng khắc phục các tồn tại và có kế hoạch đầu tư mới hạ tầng còn thiếu, bao gồm kết nối giao thông công cộng, tạo điều kiện cho nhà đầu tư yên tâm kinh doanh sản xuất… Đồng thời, tiếp tục minh bạch và công khai quy hoạch các vị trí đất mà TP đang thu hút đầu tư”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đề nghị.

Các đại biểu tham dự tọa đàm.

Nhóm vấn đề thứ ba Đà Nẵng cần tháo gỡ là lao động. “Lao động đang và sẽ là nút thắt cổ chai lớn đối với phát triển kinh tế của TP. Cần nghiêm túc nhìn nhận các vấn đề tồn tại về cơ cấu và chất lượng lao động hiện nay, có kế hoạch dự báo cụ thể và chủ động tạo nguồn lao động trên cơ sở hợp tác hiệu quả với các cơ sở đào tạo và DN”, ông Nghĩa phân tích.

Về môi trường kinh doanh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho rằng, bên cạnh việc tiếp tục phải giữ vững vị trí hàng đầu về PCI, Đà Nẵng cần phải rà soát lại thực chất các chỉ số này và tiếp tục xây dựng hệ thống đánh giá cao hơn, bám sát các tiêu chí quốc tế, đảm bảo chắc chắn rằng vị trí cao đó thực sự tạo môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi nhất cho DN.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết: “Đà Nẵng chọn chủ đề năm 2019 là ‘Năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư’. Theo đó, tập trung rà soát, điều chỉnh qui hoạch chung của TP đến năm 2030 tầm nhìn đến 2045 và chỉ đạo quyết liệt, rốt ráo để tạo thuận lợi cho việc triển khai các dự án lớn, trọng điểm, có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế – xã hội của TP”.

“Tại tọa đàm, TP Đà Nẵng ký kết Hợp đồng lựa chọn nhà thầu tư vấn lập Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 và Thiết kế chiến lược phát triển kình tế đến năm 2030. Lễ ký kết được thực hiện 3 bên giữa đại diện UBND TP, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị Đà Nẵng cùng Tập đoàn Sakae Holdings và Công ty Subama Jurong Consultants (Singapore).

UBND TP Đà Nẵng trao Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn gần 490 triệu USD cho 8 dự án và trao Thông báo cho phép nghiên cứu đầu tư đối với 11 dự án với tổng vốn gần 3,5 tỷ USD. “

Theo kinhtedothi.vn