Năm 2021, thị trường bất động sản được dự báo sẽ có những chuyển biến tích cực đến từ loạt chính sách “gỡ khó”.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, pháp lý là một trong những điểm nghẽn lớn nhất khiến thị trường bất động sản rơi vào cảnh ảm đạm trong thời gian qua. Tình hình phê duyệt các dự án của các địa phương đều chậm lại. Số lượng dự án được phê duyệt, dự án được phép đưa vào kinh doanh rất ít.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất là tình trạng chồng chéo trong pháp lý liên quan đến các bộ luật.
Thứ hai là cơ quan phê duyệt dự án đang thận trọng trong phê duyệt. Điều này dẫn đến nguồn cung cho thị trường bất động sản giảm sút.
Theo đó, bước sang năm 2021, với loạt chính sách mới có hiệu được kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản.
Chúng tôi xin điểm qua một số chính sách nổi bật như sau:
2020: Luật xây dựng sửa đổi
Từ ngày 1-1-2021, Luật Xây dựng sửa đổi 2020 có hiệu lực thi hành thì các quy định về miễn giấy phép xây dựng đã được quy định cụ thể, thuận lợi cho quản lý cũng như người dân trong xây dựng.
Theo đó, sẽ có 10 trường hợp miễn phép xây dựng theo Luật Xây dựng 2020 và một số những quy định hoàn toàn mới của Luật Xây dựng sửa đổi 2020.
Như vậy, từ ngày 1-1-2021, Luật Xây dựng sửa đổi 2020 có hiệu lực thi hành thì các quy định về miễn giấy phép xây dựng đã được quy định cụ thể, rõ ràng hơn, thuận lợi cho quản lý cũng như người dân trong xây dựng công trình.
2021: Luật đầu tư sửa đổi
Luật Đầu tư sửa đổi có hiệu lực ngày 1/1/2021, sẽ tháo gỡ ách tắc về thủ tục đầu tư xây dựng đối với các dự án đầu tư kinh doanh.
Được biết, Luật Đầu tư sửa đổi 2020 có hiệu lực vào đầu năm 2021 sẽ tháo gỡ được nhiều vướng mắc mà những doanh nghiệp đầu tư dự án BĐS như trường hợp công ty Tuấn Điền Phúc gặp phải.
Trong đó, Luật Đầu tư thống nhất thực hiện thủ tục “chấp thuận chủ trương đầu tư” đối với các trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất; hoặc nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai, bao gồm các dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp, gồm đất ở, đất nông nghiệp và các loại đất khác.
Luật Đầu tư đã sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở đối với trường hợp có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang làm đất ở.
Các chuyên gia pháp lý bất động sản cho rằng, điểm đặc biệt của quy định này là khái niệm “đất ở hợp pháp và các loại đất khác” của khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở, sẽ đảm bảo sự thống nhất với khái niệm “đất” của Luật Đất đai.
Đồng thời, quy định Luật Đầu tư đã sửa đổi điểm a, điểm đ Điều 25 Luật Bảo vệ môi trường, chỉ yêu cầu có đánh giá sơ bộ tác động môi trường để chấp thuận chủ trương đầu tư; hoặc để cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nên sẽ gỡ khó rất nhiều vướng mắc cho DN.
2021: Nghị quyết 164 tháo gỡ vướng mắc đầu tư trong khu đô thị
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 164 tháo gỡ một số vướng mắc trong thực hiện các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị theo quy định tại Nghị định số 11 về Quản lý đầu tư phát triển đô thị.
Theo đó, đối với các dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư năm 2014 hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật Nhà ở năm 2014 sẽ không phải thực hiện thủ tục chấp thuận đầu tư theo quy định của Nghị định số 11.
Nghị quyết 164 không chỉ giúp cắt giảm một khối lượng lớn thủ tục hành chính không cần thiết cho chủ đầu tư mà còn tạo ra sự ổn định tâm lý cho thị trường. Nếu theo luật Đầu tư 2020 sẽ có hiệu lực từ ngày 1.1.2021 thì chủ đầu tư xây dựng dự án nhà ở, khu đô thị sẽ chỉ phải làm thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo duy nhất luật Đầu tư, sau đó mới triển khai các thủ tục khác theo quy định của luật chuyên ngành.
2021: Nghị định cứu hàng ngàn dự án có đất công xen kẹt
Cuối năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị định 148/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, trong đó bổ sung quy định giao đất, cho thuê đất đối với các thửa đất nhỏ hẹp do Nhà nước quản lý.
Theo đó, các thửa đất nhỏ hẹp do Nhà nước quản lý ưu tiên sử dụng vào mục đích công cộng. Trường hợp không sử dụng được vào mục đích công cộng thì thực hiện việc giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất cho người sử dụng đất liền kề.
Điểm quan trọng trong Nghị định 148/2020/NĐ-CP là việc quy định các thửa đất nhỏ hẹp do Nhà nước quản lý ưu tiên sử dụng vào mục đích công cộng. Trường hợp không sử dụng được vào mục đích công cộng thì thực hiện việc giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất cho người sử dụng đất liền kề. Nghị định 148/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 8/2/2021.
2021: Nghị định 25/2020/ NĐ-CP về việc lựa chọn nhà đầu tư
Theo yêu cầu thực tiễn và khung pháp lý hiện hành có liên quan, Nghị định số 25/2020/NĐ-CP (NĐ 25) quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư đã được ban hành thay thế Nghị định 30/2015/NĐ-CP (NĐ 30).
Ra đời trong bối cảnh nhiều dự án đầu tư có sử dụng đất tại địa phương vướng mắc liên quan đến pháp luật về đất đai; các dự án PPP chưa rõ về quy trình đấu thầu, NĐ 25 có nhiều điểm mới tháo gỡ.
Nghị định này có hiệu lực từ có hiệu lực kể từ ngày 20/4/2020 và sẽ tiếp tục là “chìa khóa” để tháo gỡ cho các dự án BĐS có vướng mắc liên quan trong năm 2021.
2021: Loạt thông tư của Bộ xây dựng
Từ ngày 1/72020, các Thông tư số 21/2019/TT-BXD về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Nhà chung cư và Thông tư số 22/2019/TT-BXD về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng đã có hiệu lực.
Các Thông tư này sẽ tiêó tục giúp tháo gỡ một số vướng mắc trong việc lập quy hoạch và thiết kế nhà ở đô thị, nhà ở chung cư trong năm 2021. Điều này được cho là sẽ tạo thuận lợi để các chủ đầu tư lập quy hoạch, thiết kế dự án nhà ở, dự án nhà chung cư và các cơ quan thẩm quyền thẩm định, phê duyệt quy hoạch, thiết kế dự án nhà ở, nhà chung cư.
Trong năm 2021, Bộ Xây dựng dự kiến cũng sẽ hoàn thiện dự thảo sửa đổi, bổ sung một số chính sách như Nghị định số 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, Nghị định số 101/2015/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư và dự thảo Nghị quyết về phát triển dự án nhà ở thương mại giá thấp. Sau khi lấy ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp… để hoàn thiện, Bộ Xây dựng sẽ trình Chính phủ xem xét, ban hành.
Theo Lê Sáng