Sóng đầu tư BĐS nghỉ dưỡng đổ về các thị trường mới

Trong năm 2016, thị trường bất động sản ghi nhận sự chuyển hướng của dòng vốn đầu tư từ các thị trường truyền thống như Đà Nẵng, Phú Quốc sang các tỉnh lẻ như Bình Thuận, Huế, Quảng Ninh, Quy Nhơn, Thanh Hóa… Trước đó, những thị trường này không được đánh giá cao về tiềm năng phát triển.

Những “miếng bánh” mới

Nhiều CĐT lớn bắt đầu tìm hướng đi tại các thị trường mới thay vì “giành giật” thị trường truyền thống. Trong tháng 8 vừa qua, 3 ông lớn ngành BĐS là Bitexco, Vingroup và BRG đều công bố sẽ lựa chọn TP. Huế là điểm đến tiếp theo để triển khai các dự án mới. Cụ thể, Bitexco rót hơn 500 tỷ đầu tư dự án khu nghỉ dưỡng nước nóng Mỹ An Huế; Vingroup chi 215 tỷ làm Trung tâm Thương mại Vincom Tứ Hạ; BRG đầu tư tới 2.000 tỷ để làm khu nghỉ dưỡng cao cấp tại khu vực tiếp giáp hai xã Vinh Thanh và Vinh Xuân, huyện Phú Vang (TP. Huế).

Một trong những yếu tố cần chú ý khi đầu tư vào các thị trường mới là tìm hiểu các thông tin về quy hoạch, về giá và giao dịch hiện tại của khu vực

Thanh Hóa là thị trường tiếp theo được các CĐT lớn hướng đến với hàng loạt dự án lớn nhỏ được phê duyệt triển khai. Đầu tiên là việc FLC Group cam kết đầu tư gần 1 tỷ USD vào Thanh Hóa để phát triển các dự án nghỉ dưỡng và căn hộ. Hiện tại, bên cạnh dự án khu nghỉ dưỡng FLC Sầm Sơn, tập đoàn này còn tập trung đầu tư các dự án nhà ở như Tổ hợp căn hộ Nam thành phố Thanh Hóa (2ha) với tổng mức đầu tư khoảng 800 tỷ đồng; Khu nhà hỗn hợp FLC Complex Thanh Hoá có tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng; Khu du lịch sinh thái và vui chơi giải trí cao cấp Cồn Nổi tại Sầm Sơn với tổng mức đầu tư khoảng 2.200 tỷ đồng….

Vingroup cũng vừa khởi công một dự án lớn tại Thanh Hóa là Trung tâm Thương mại Vincom Thanh Hóa. Tập đoàn Sungroup quyết định rót gần 10.000 tỷ đồng vào dự án Quần thể Khu du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Bến En. Sungroup tham vọng biến nơi đây thành điểm nhấn về du lịch giải trí mang tầm vóc quốc tế. Hai đại gia khác là T&T Group và Tập đoàn Sao Mai cũng đã rót hơn nghìn tỷ vào Thanh Hóa để triển khai 2 dự án lớn là Khu du lịch sinh thái Tân Dân và Khu đô thị cao cấp Sao Mai.

Làn sóng đầu tư BĐS đổ về các tỉnh lẻ diễn ra mạnh mẽ trong năm 2016. Phan Thiết tiếp tục đón thêm 4 dự án lớn với tổng vốn lên đến gần 400 triệu USD gồm: Khu tổ hợp du lịch, thương mại dịch vụ cao cấp Hàm Tiến – Mũi Né (200 triệu USD), Khu du lịch cao cấp Hòn Rơm – Mũi Né (92 triệu USD), Khu du lịch Hàm Thuận Đa Mi (42 triệu USD) và Khu du lịch Suối khoáng nóng Tà Cú – Bưng Thị (50 triệu USD).

Dự án FLC Quy Nhơn vừa được khánh thành cuối tháng 7
Toàn cảnh quần thể FLC Quy Nhơn

Bình Định đón làn sóng đầu tư lớn từ các doanh nghiệp như FLC, Becamex IDC, Hưng Thịnh… Tập đoàn FLC “đổ bộ” vào Bình Định với các dự án như FLC Quy Nhơn (quy mô 1.300 ha, mức đầu tư 7.000 tỷ đồng), Tổ hợp khách sạn 5 sao, trung tâm thương mại và nhà ở FLC Complex Quy Nhơn (quy mô 1,7 ha, vốn đầu tư 2.031 tỷ) và dự án Vườn thú tương tác (quy mô 200 ha). Mới đây, tỉnh Bình Định cũng chấp thuận cho Tập đoàn Hoa Sen nghiên cứu, khảo sát đầu tư 2 dự án là Trung tâm thương mại, dịch vụ, khách sạn và căn hộ cao cấp (vốn đầu tư 250 triệu USD) và dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng và chữa bệnh Suối nước nóng Hội Vân (vốn đầu tư 18,9 triệu USD).

Nhà đầu tư chạy trước đón đầu

Trong khi không ít chuyên gia bày tỏ lo ngại nguy cơ bội cung tại thị trường Đà Nẵng, Phú Quốc, Mũi Né, nhiều nhà đầu tư lo xa đã rục rịch tìm kiếm cơ hội tại các thị trường mới nổi. Anh Trần Tiến Quốc, một nhà đầu tư tại Gia Lai cho biết anh quyết định đầu tư vào một dự án nghỉ dưỡng ở Quy Nhơn thay vì chọn Nha Trang – thị trường đang sôi động.

Anh Tiến đã khảo sát rất nhiều nơi trước khi đi đến quyết định này. “Ở một thị trường mới, việc đầu tư sẽ không thể nhanh sinh lời hay nhìn thấy hiệu ứng trước mắt. Tuy nhiên nếu ai có nguồn vốn ổn định, có xu hướng đầu tư lâu dài, sinh lợi an toàn thì đây sẽ là lựa chọn tốt. Sức ép cạnh tranh ở các thị trường này không mạnh”. Vì thế, một khi địa phương phát triển tốt về du lịch thì đầu ra của dự án sẽ tươi sáng.

Thêm vào đó, anh Tiến cũng cho hay giá nhà đất tại các thị trường mới còn rất thấp. “Một biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp cũng chỉ có tầm giá từ 12-14 tỷ/căn, Condotel thì chỉ tầm 1,7- 2 tỷ tùy loại. Đây là mức giá không thể tìm được ở các thị trường đang nóng hiện nay và nó sẽ biến động một khi dự án hình thành hoàn chỉnh”, anh Quốc phân tích.

Không chỉ săn đất tại dự án, nhiều nhà đầu tư còn gom đất gần khu vực mà nhiều dự án lớn sẽ được triển khai. Ông Ngô Bá Quang, một nhà đầu tư Hà Nội cho biết đang nhờ người tìm hiểu về các khu đất nằm cạnh một dự án nghỉ dưỡng sắp triển khai tại Huế. Theo ông, một khi dự án nghỉ dưỡng hoàn thành, giá đất gần kề đó sẽ tăng chóng mặt.

Trên thực tế, sau khi FLC Quy Nhơn đi vào hoạt động, các khu đất thổ cư gần khu Kỳ Co, Eo Gió tăng lên 15 -25 triệu/m2, dù trước đó 2 năm giá không đến 5 -7 triệu/m2. Tuy nhiên, hầu hết giới đầu tư đều nhận định, một khi lựa chọn các thị trường mới, họ sẽ phải chấp nhận cuộc chơi dài hạn, ít nhất cũng phải mất 5-6 năm để khu vực này phát triển toàn diện và sản sinh lợi nhuận.

Chính sách lợi nhuận cũng là yếu tố khiến giới đầu tư quan tâm. Để thu hút nguồn vốn khai phá các thị trường mới, CĐT thường đưa ra các chính sách bán hàng và cam kết lợi nhuận ưu đãi hơn so với các dự án triển khai ở thị trường truyền thống. Nhiều dự án còn đưa ra mức lợi nhuận 9-10%/năm và cam kết duy trì trong 10 năm liên tiếp.

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, một trong những yếu tố cần chú ý khi đầu tư vào các thị trường mới là tìm hiểu các thông tin về quy hoạch, về giá và giao dịch hiện tại của khu vực. Việc nắm bắt được quy hoạch chung, các cơ sở pháp lý sẽ giúp nhà đầu tư tránh được rủi ro không đáng có. Đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng nhiều tiềm năng, nhiều lợi nhuận nhưng song song là những nguy cơ khó tránh khỏi. Vị chuyên gia nhấn mạnh nhà đầu tư nhỏ lẻ cần phải sáng suốt trong quá trình nghiên cứu, lựa chọn và đánh giá đúng những sản phẩm có dự định mua.

Theo Tuổi trẻ Online

Xem thêm bài viết tại:  www.azcapital.vn/tin-tuc